Cú vấp ngã đầu tiên
Mặt trời vừa lên, bà Bùi Thị Hà (55 tuổi, thôn Đồng Tâm, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã cặm cụi chăm sóc đàn dúi và chim bồ câu Pháp – nguồn thu nhập chính của gia đình.
Bà Hà cho biết, dúi là loài động vật có đặc tính gặm nhấm, ăn đêm ngủ ngày. Vì thế, sáng sớm phải kiểm tra chuồng trại để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng.
Với đàn chim bồ câu Pháp, việc vệ sinh chuồng trại rất quan trọng để tránh một số bệnh truyền nhiễm. Cho ăn đúng giờ giúp chúng sinh trưởng, phát triển tốt.
Sau 3 năm khởi nghiệp, trang trại rộng 2.000m2 của gia đình bà Hà có 200 con dúi và 150 cặp chim bồ câu Pháp giống, lớn nhất ở xã Phượng Nghi. Mỗi năm, mô hình kinh tế này mang lại lợi nhuận cho gia đình bà gần 200 triệu đồng.
Để đạt được thành công, bà Hà đã phải trải qua một khoảng thời gian dài học hỏi, thậm chí phải đóng “học phí” rất đắt vì cả tin.
Năm 2021, vợ chồng bà được Hội Nông dân xã Phượng Nghi đưa đi tham quan các mô hình kinh tế cho thu nhập cao trong tỉnh. Xét thấy việc nuôi dúi và chim bồ câu Pháp có tiềm năng, gia đình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 10 cặp dúi giống và 150 đôi chim bồ câu Pháp về nuôi.
Trong khi đàn chim bồ câu sinh trưởng và phát triển tốt thì đàn dúi mua về chỉ mấy hôm đã lăn ra chết.
“Dúi chết, tôi đến tận nơi bán giống để tìm hiểu nguyên nhân thì phát hiện người bán đã lừa tôi. Họ bảo dúi ăn thân cây nên tôi cho chúng ăn như vậy. Nhưng thực tế, họ cho dúi ăn bột để chúng lớn nhanh”, bà Hà chia sẻ.
Trắng tay khi đàn dúi chết trong lần đầu khởi nghiệp nhưng vợ chồng bà không buồn. Bà Hà cho rằng, đó là tiền phí “học khôn”.
Cùng bà con làm giàu
Mặc dù nhiều người khuyên can nuôi dúi không hiệu quả, nhưng bà Hà vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình. Vợ chồng bà tìm mua thêm 10 cặp dúi giống gốc bản địa để khởi nghiệp lại.
Chưa có kinh nghiệm chăm sóc, bà vừa nuôi vừa nhờ con, cháu lên mạng xã hội tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi dúi. May mắn, 9 tháng sau, dúi đẻ lứa đầu tiên.
“Ngày dúi đẻ, vợ chồng tôi quên ăn, quên ngủ canh chừng ở chuồng trại. Ngắm đàn dúi con rồi mừng thầm… mình thắng rồi, sắp giàu to”, bà Hà vui vẻ kể lại.
Theo bà Hà, dúi mẹ mang bầu 3 lần/năm, mỗi lứa sinh 2-4 con. Riêng 3 tháng đầu năm nay, bà Hà thu về 30 triệu đồng từ việc bán dúi.
Dự tính đến hết năm, gia đình bà bán ra thị trường hơn 1 tạ dúi thương phẩm và 50 cặp dúi giống. Mỗi cặp dúi giống có giá 1-1,2 triệu đồng. Dúi thương phẩm được bán với giá 500.000 đồng/kg.
Bí quyết nuôi dúi đạt hiệu quả cao, theo bà Hà, phải đảm bảo chuồng nuôi ít tiếng động, kín gió, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Thức ăn chủ yếu là thân cây tre, sắn, mía,… nhưng không để ôi thiu và không nhiễm nước mưa.
Với đàn chim bồ câu Pháp, đến nay trang trại của gia đình bà Hà duy trì 150 đôi chim giống. Mỗi năm, bà bán gần 1.000 con chim thương phẩm với giá 65.000 đồng/con.
Bà Hà cho hay, chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi, ít bệnh. Thức ăn chủ yếu là cám ngô và lúa trộn đều, ăn 2 lần/ngày. Các cặp đang nuôi chim non, cho ăn thêm mỗi ngày 1 lần.
Chim bồ câu Pháp có đặc tính sinh sản nhanh. Chim mái sau khi nuôi 5 tháng sẽ đẻ trứng, trung bình 4 ngày sẽ đẻ 2 quả trứng. Gia đình bà vẫn để chim ấp, nở và nuôi con tự nhiên.
Theo bà Hà, nuôi dúi và chim bồ câu Pháp không đòi hỏi nhiều về chi phí đầu tư ban đầu, thu hồi vốn nhanh. Mô hình này cho lãi gấp 4 lần so với làm đồi. Việc chăn nuôi không quá vất vả, có thể tận dụng được nhân công trong gia đình.
Thấy gia đình bà Hà có của ăn, của để từ việc nuôi dúi và chim bồ câu, nhiều bà con trong thôn đã đến tham quan, học hỏi mô hìnhtrích dẫn từ Khe web trực tiếp. Vợ chồng bà sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với mong muốn cùng bà con phát triển mô hình, tăng thu nhập, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
“Năm ngoái, gia đình “bỏ túi” gần 200 triệu đồng từ mô hình. Dúi và chim bồ câu Pháp là những con đặc sản, được thị trường ưa chuộng, luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn để cung cấp nhiều hơn ra thị trường”, bà Hà chia sẻ về dự định chăn nuôi.
Ông Lê Viết Hương, Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi, cho biết toàn xã có 7 mô hình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có gia đình bà Hà nuôi dúi và chim bồ câu số lượng lớn.
“Không chỉ nuôi dúi, chim bồ câu Pháp, bà Hà đã và đang truyền đạt kinh nghiệm, chuyển giao mô hình nuôi chim cho các hộ dân khác để cùng nhau làm giàu”, ông Hương cho biết thêm.